Nhiệm vụ và các chi tiết của hệ thống bôi trơn
Để đảm bảo các chi tiết bên trong động cơ, hộp số, vi-sai, hệ thống lái… hoạt động một cách trơn tru và bền bỉ, chúng cần phải được bôi trơn đúng cách. Tuy nhiên, dầu nhớt để bôi trơn các chi tiết không chỉ có nhiệm vụ là bôi trơn. Ngoài công dụng bôi trơn nói trên, dầu (nhớt) được đổ vào các chi tiết cơ khí trên xe có bốn công dụng khác.
Đầu tiên đó là làm mát. Khi vận hành, động cơ không chỉ được làm mát bên ngoài bởi nước trong áo nước mà còn được làm mát trực tiếp thông qua nhớt máy. Mạt kim loại sẽ được sinh ra trong quá trình hoạt động, cùng với đó là các chất bẩn khác đến từ quá trình đốt, chúng cần được nhớt mang xuống két nhớt bên dưới một cách hoàn toàn để đảm bảo không làm trầy xước các chi tiết vận hành. Tiếp theo, nhớt máy tạo áp suất và bịt các kẽ hở giữa các các chi tiết, đồng thời tạo lớp đệm mỏng để chúng vận hành mượt mà hơn. Cuối cùng, các chi tiết cơ khí đều được làm bằng kim loại nên nhớt máy cũng đóng vai trò là chất bảo quản, ngăn chặn cũng như làm chậm quá trình oxi hóa, han gỉ của chúng.
Các bộ phận của hệ thống bôi trơn
Lọc dầu
Lọc dầu là chi tiết đảm bảo dầu nhờn bôi trơn phải luôn sạch để ổ trục ít bị mài mòn do tạp chất. Một số tạp chất làm bẩn nhớ là kim loại do các mặt ma sát mài mòn, tạp chất lẫn trong không khí nạp như cát bụi và các chất khác, muội than do nhiên liệu hoặc dầu nhờn cháy bám trên xylanh…
Bơm dầu
Bơm dầu dùng để tạo áp suất đẩy dầu lên các chi tiết nằm phía trên của động cơ, đồng thời tạo áp suất cho dầu để tối ưu việc bôi trơn, làm máy và rửa chi tiết.
Thông gió hộp trục khủy
trong quá trình làm việc của động cơ khí cháy thường lọt từ buồng cháy xuống hộp trục khuỷu. Điều đó làm cho dầu dễ bị ô nhiễm và phân huỷ do các tạp chất cháy đem xuống. Ngoài ra, do có hiện tượng lọt khí, nhiệt độ bên trong hộp trục khuỷu cũng tăng lên làm hại đến tính năng hoá lý của dầu nhờn, nên Để tránh những tác hại nói trên, các động cơ ngày nay đều giải quyết tốt vấn đề thông gió hộp trục khuỷu.
Các phương pháp thông gió hộp trục khuỷu
– Thông gió hở là kiểu thông gió tự nhiên, nhờ có piston chuyển động hoặc xe chuyển động nên khí trong hộp trục khuỷu tự thoát ra ngoài trời bằng ống thông gió.
– Thông gió kín là kiểu thông gió cưỡng bức, sử dụng chân không trong quá trình nạp để khí trong hộp trục khuỷu lưu động vào đường nạp của động cơ.
Két làm mát dầu
Két làm mát dầu có nhiệm vụ đảm bảo nhiệt độ dầu bơi trơn luôn duy trì ở nhiệt độ ổn định, từ đó giữ được độ nhớt và khả năng bôi trơn của chúng. Két làm mát này có thể được làm mát bằng dung dịch hoặc gió.
Các kiểu hệ thống bôi trơn
Bôi trơn vung té
Khi động cơ làm việc,các chi tiết như trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng…sẽ vung té dầu lên bề mặt làm việc của các chi tiết cần bôi trơn như xi lanh, các te, các cam…Ngoài ra, một phần dầu vung té dạng sương mù sẽ rơi vào các kết cấu hứng dầu của các chi tiết khác cần bôi trơn, như đầu nhỏ thanh truyền. Phương án bôi trơn này đơn giản, nhưng cũng như phương pháp bôi trơn bằng pha dầu vào nhiên liệu là khó đảm bảo đủ dầu bôi trơn cho các cổ trục. Vì vậy phương pháp này chỉ sử dụng ở động cơ có công suất nhỏ như động cơ xe máy, thuyền máy, bơm nước…
Bôi trơn cưỡng bức
Trong hệ thống này dùng bơm dầu để đưa dầu đến các bề mặt làm việc có ma sát. Dầu bôi trơn luôn được tuần hoàn và có một áp suất nhất định, thường khoảng 0,1 – 0,04 MN/m2. Hệ thống bôi trơn cưỡng bức có cấu tạo phức tạp, nhưng có ưu điểm là điều chỉnh được lượng dầu, tẩy rửa sạch bề mặt ma sát và hiệu quả bôi trơn tốt. Chúng thường dùng ở một số động cơ có cấu tạo đặc biệt và dầu không chứa ở các-te mà để ở một thùng khác như động cơ đặt ngược hay đặt boxer.
Bôi trơn kết hợp
Hầu hết các động cơ dùng trên xe hiện nay đều sử dụng hệ thống bôi trơn hỗn hợp gồm bôi trơn cưỡng bức và bôi trơn theo các-te dầu. Các chi tiết quan trọng chịu tảI trọng lớn như bạc cổ trục chính và bạc đầu thanh truyền, các bạc trục cam, các bạc đòn mở của cơ cấu phân phối khí… được bôi trơn bằng áp lực, còn các chi tiết khác như piston, mạt gương xi lanh, con đội, xu-páp, thân xu-páp và ống dẫn hướng xu-páp… được bôi trơn bằng dầu vung té.
Khi động cơ làm việc, dầu từ các-te được bơm hút qua phao lọc dầu, qua ống dẫn đến bầu lọc thô vào ống dẫn dầu chính. Từ ống dẫn dầu chính, dầu sẽ theo các ống dẫn dầu nhánh đi bôi trơn cho cổ trục cam, trục đòn mở và bạc cổ trục chính rồi qua lỗ và rãnh ở trong trục khuỷu để bôi trơn bạc đầu to thanh truyền và các cổ trục còn lại của trục khuỷu. Mặt khác, dầu cũng từ cổ biên, qua lỗ dẫn nhỏ theo rãnh dọc ở thân thanh truyền lên bôi trơn chốt piston. Sau khi bôi trơn tất cả các bề mặt làm việc của chi tiết, dầu lại chảy về các-te.
Các bộ phận giám sát hệ thống bôi trơn
Đồng hồ áp suất dầu: Đồng hồ này được nối với đường dầu chính để kiểm tra áp suất dầu và tình hình làm việc của hệ thống bôi trơn.
Đồng hồ nhiệt độ dầu: Đồng hồ này được nối với các-te để báo nhiệt độ dầu trong các te.
Thước thăm dầu: Chi tiết này dùng để kiểm tra mức dầu trong các te khi động cơ ngừng hoạt động.
Van ổn áp: Van này có tác dụng giữ cho áp suất dầu không đổi trong phạm vi tốc độ của động cơ. Khi áp suất dầu sau bơm cao hơn quy định thì van mở, một lượng dầu phía sau bơm sẽ qua van về lại phía trước bơm, nhờ vậy, áp suất dầu trên hệ thống bôi trơn luôn luôn ổn định.
Van an toàn: Khi bầu lọc thô bị tắc, van an toàn sẽ mở, phần lớn dầu không qua bầu lọc mà lên thẳng đường dầu đi bôi trơn cho các chi tiết, để tránh hiện tượng thiếu dầu bôi trơn các bề mặt cần bôi trơn.
Van nhiệt: Sau khi bôi trơn, dầu ở các te có nhiệt độ dầu quá cao (trên 80 độ C), do độ nhớt giảm, van nhiệt đóng để dầu qua két làm mát dầu rồi trở về các-te.
LỰA CHỌN NHỚT XE Ô TÔ NHƯ THẾ NÀO
Trên thị trường hiện tại hiện có nhiều loại dầu nhớt với đặc tính khác nhau. Ngày nay, nhớt máy thường được thêm phụ gia để tăng hiệu quả làm việc. Bên cạnh đó, chúng cũng được nghiên cứu phát triển chuyên biệt cho từng loại động cơ. Chính vì thế, nhớt cần được lựa chọn phù hợp để động cơ có thể hoạt động tốt và bền bỉ nhất có thể.
Có nhiều cách để phân loại dầu nhớt như phân loại theo theo cấp độ nhớt (SAE), theo tính năng của dầu nhớt (API) hay theo công dụng mà nhà sản xuất công bố như: dầu đơn cấp, dầu đa cấp, dầu tổng hợp. Vậy, những ký hiệu và công dụng trên có ý nghĩa gì?
Cấp độ nhớt – SAE
Khi mua nhớt, nhìn vào thân chai, bạn sẽ dễ dàng thấy được các ký hiệu như SAE 20W-50, SAE 10W-30, SAE0W-40… Phân tích dòng kỳ hiệu này, ta có SAE là chỉ đây là thông số về cấp độ nhớt của chai nhớt. Tiếp theo, số đứng trước “W” chỉ khoảng nhiệt mà loại nhớt đó có thể giúp động cơ khởi động, nhưng là tính ở nhiệt độ âm. Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo thì khách hàng tại nước ta không cần quan tâm tới thông số này. Ký tự sau “W” là chỉ độ đặc của nhớt, số càng lớn thì nhớt càng đặc và ngược lại.
Như vậy, nếu bạn thường xuyên đi đường dài thì nên chọn loại đặc vì khi vận hành đường dài, máy sẽ nóng, dầu đặc lúc này loãng ra. Trường hợp xe chỉ thường xuyên sử dụng trong thành phố thì nên chọn loại nhớt loãng để xe dễ khởi động lại khi phải dừng, tắt máy nhiều lần.
Cấp tính năng – API
Cấp tính năng API bao gồm 2 chữ cái, bắt đầu với S – viết tắt của Service (động cơ xăng), C – viết tắt của Commercial (động cơ diesel). Chữ cái thứ 2 cho thấy tiêu chuẩn chất lượng của dầu nhớt, bắt đầu từ A. Chữ cái thứ 2 nếu càng xa A trên bảng chữ cái, dầu nhớt chất lượng càng tốt (SL tốt hơn SA). Các cấp chất lượng của API cho động cơ chạy xăng là SA, SB, SC, SE, SF, SG… đến cấp mới nhất hiện nay là API SN. API cho động cơ Diesel ký hiệu là CA, CB, CC, CD… Một số loại dầu nhớt đáp ứng tiêu chuẩn cho cả động cơ xăng và động cơ diesel và có chỉ số đôi, ví dụ SL/CF.
Các loại nhớt
Nhớt tổng hợp: Đây là loại có độ tinh khiết cao, mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn và giúp động cơ có thể đạt hiệu suất tối đa. Tuy nhiên, giá bán của loại nhớt này cao hơn mặt bằng chung.
Nhớt khoáng: Đây là loại nhớt được chiết xuất trực tiếp từ dầu mỏ qua quá trình chưng cất và lọc sạch cặn bẩn. Loại nhớt này thương được dùng để pha chế ra các loại nhớt bán tổng hợp và tổng hợp.
Nhớt bán tổng hợp: Đây là loại nhớt qua giữa nhớt khoáng và tổng hợp, ưu điểm là giá thành rẻ hơn nhớt tổng hợp nhưng hiệu năng lại không kém là bao khi được bổ sung bằng một số chất phụ gia.
Thay nhớt định kỳ như thế nào là đúng?
Thời gian sử dụng của nhớt máy tùy thuộc vào chất lượng của nó cũng như điều kiện vận hành của xe trong khoảng thời gian đó. Dựa vào các yếu tố trên, nhớt sẽ giảm hiệu suất sau một thời gian nhất định và cần được thay thế. Thời gian thay nhớt định kỳ thường được khuyến cáo dựa theo thời gian hoặc theo số km vận hành cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện vận hành khắc nghiệt hoặc môi trường bất lợi, nhớt cần được thay sớm.
Khi sử dụng xe hơi, sau hai đến ba lần thay nhớt động cơ thì chúng ta nên thay lọc nhớt. Lí do là trong quá trình động cơ hoạt động có tạo ra cặn bã bám vào lọc nhớt, sau một thời gian lọc nhớt sẽ không thể hoạt động tốt được nữa, dễ dẫn đến tình trạng nhớt không được lọc, nhớt không lưu thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ của xe.
Xe bị hao nhớt là do đâu?
Tuy có công dụng bôi trơn và không trực tiếp tham gia vào quá trình sinh công bên trong động cơ nhưng nhớt máy vẫn sẽ bị hao hụt sau một thời gian sử dụng. Tùy vào loại động cơ cũng như dung tích, lượng nhớt sẽ tiêu hao nhiều hay ít, một phần khác ảnh hưởng đến sự tiêu hao này là điều kiện vận hành. Tuy nhiên, nếu nhận thấy động cơ có dấu hiệu tiêu hao nhiều nhớt hơn mức cần thiết khi sử dụng hoặc được thông báo ở các kỳ bảo dưỡng, hẳn là động cơ của bạn đã gặp vấn đề.
Làm sao để biết xe hao nhớt hơn bình thường? Có một số dấu hiệu để biết xe bị hao nhớt, dễ nhận thấy nhất là các vết dầu bị rò ra đọng vũng dưới gầm xe. Tiếp đến là chú ý đến khói ra có màu xanh xám hoặc đen. Dấu hiệu nhận biết thứ ba là đồng hồ báo nhớt trên bảng đồng hồ luôn ở trong tình trạng thiếu khi khi chưa đến kì thay nhớt, thậm chí đến kỳ thay nhớt đồng hồ này cũng không nên báo thiếu nhớt.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hao nhớt của động cơ, ở cả các hệ thống bên trong, bên ngoài động cơ cũng như các yếu tố bên ngoài khác. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng thiếu nhớt có thể kể đến là các gioăng cao sau, phốt dầu bị mòn, hư cũ gây nên tình trạng rò nhớt từ bên trong ra ngoài. Một số vị trí dễ gây nên rắc rối này là lọc nhớt, gioăng các-te, hộp thông gió trục khuỷu, gioăng nắp máy, chụp cò, phốt đuôi trục khuỷu…
Bên cạnh những yếu tố của các chi tiết bên ngoài động cơ làm hao nhớt, một số trường hợp, các chi tiết bên trong động cơ gặp vấn đề cũng gây nên hiện tượng này. Dấu hiệu là khói có màu hoặc nhớt ở đường ống xả. Điều này xảy ra do nhớt lọt vào bên trong buồng đốt và được đốt cháy cùng nhiên liệu, không khí và thải ra ngoài theo đường ống. Khi gặp tình trạng này, nguy cơ cao là do xéc-măng nhớt bị mòn hoặc phốt xu-páp phía trên mòn, không còn tạo được môi trường kín cho buồng đốt. Nặng hơn, có thể lòng xi-lanh bị mòn hoặc van thông gió trục khuỷu bị nghẽn, làm gia tăng áp suất gây hiện tượng hao mòn quá mức của một số chi tiết khác.
Ngoài các các nguyên nhân gây hao nhớt đến từ động cơ, các yếu tố khác bên ngoài cũng có thể gây nên vấn đề này. Các nguyên nhân chính thường là vì xe liên tục tải nặng, sử dụng không đúng loại nhớt được nhà sản xuất yêu cầu, dùng nhớt kém chất lượng. Thậm chí hệ thống làm mát không được bảo dưỡng đúng cách cũng có thể gây hao nhớt hơn mức cần thiết.
Tình trạng thiếu nhớt có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng cho động cơ, vì thế, việc ngăn hiện tượng này xảy ra là điều cần thiết khi sử dụng xe. Bạn nên thường xuyên kiểm tra nhớt bằng que thăm để nhanh chóng phát hiện ra sự hao hụt và có các biện pháp xử lý, tránh gây nên những hư hỏng về sau.
MITSUBISHI VIG AN GIANG
Đc: 132 Trần Hưng Đạo, Phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, An Giang
MITSUBISHI VIG ĐỒNG THÁP
Đc: 352 Quốc Lộ 30, An Bình, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp
- Hotline PKD: 0948960069